KHUYẾN CÁO CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG BỆNH SỐT MÒ

Bệnh sốt mò hay còn gọi là sốt bờ bụi, là một loại sốt phát ban do Rickettsia gây ra. Đây là vi khuẩn lây truyền từ chuột và thú nhỏ sang người thông qua vết cắn (đốt) của ấu trùng con mò (Trombicula). Bệnh có đặc điểm sốt kéo dài, trên cơ thể người bệnh có vết loét đặc trưng do mò đốt, vị trí mò đốt thường ở những vùng da mềm, ẩm, như bộ phận sinh dục, hậu môn, bẹn, nách, cổ, rốn…, đôi khi ở vị trí ít được chú ý tới như trong vành tai, mi mắt …, phát ban dạng sẩn và viêm hạch. Bệnh có diễn tiến từ nhẹ đến nặng, có thể gây tử vong, phần lớn bệnh nhân tử vong là do biến chứng.
Biến chứng của sốt mò rất nguy hiểm kéo theo tổn thương đa tạng như: Viêm cơ tim, trụy tim mạch; đông máu nội mạc rải rác; viêm phổi nặng, suy hô hấp; viêm não và màng não; suy gan cấp, tăng men gan; sốc nhiễm khuẩn; suy thận; xuất huyết nội tạng…
Nhưng nếu bệnh được chẩn đoán và điều trị sớm, bệnh khỏi hoàn toàn sau 5- 7 ngày điều trị.
Hiện nay bệnh chưa có vắc xin phòng bệnh nhưng có thuốc điều trị đặc hiệu và đặc biệt bệnh có thể chủ động phòng tránh được bằng cách:
1. Thường xuyên vệ sinh môi trường, phát quang bụi cây, lùm cỏ, khơi thông cống rãnh, không để môi trường ẩm ướt tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển
2. Vệ sinh nhà ở thoáng sạch, mở cửa thông thoáng, diệt chuột, phun hóa chất diệt côn trùng…, để hạn chế nơi trú ngụ, phát triển của tác nhân gây bệnh sốt mò.
3. Vệ sinh cá nhân, đặc biệt khi đi phát nương làm rẫy, hành quân dã ngoại, trinh sát… vào rừng cần mang giầy và tất, chít ống quần, tắm giặt, thay quần áo sau khi đi rừng, làm rẫy về…
4. Sử dụng bảo hộ lao động, tránh ngồi, nằm phơi quần áo, đặt balô trên bãi cỏ, gần bờ bụi, gốc cây; Tẩm quần áo bằng thuốc diệt mò (permethrine) hoặc xoa chân, xoa tay, xoa cổ thuốc xua mò (DEET).
5. Khi có các triệu chứng bệnh nghi ngờ cần đến ngay cơ sở y tế khám, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh không chữa bệnh bằng thuốc nam, mo/cúng và các biện pháp dân gian khác.
BS. Trần Tuyết (Trưởng khoa KST-CT, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái)