I-ốt là một nguyên tố hóa học có trong tự nhiên và là một chất rất cần thiết cho cơ thể, mỗi ngày chúng ta chỉ cần tiếp thu vào một lượng rất nhỏ nhưng phải đều đặn, y học gọi là nguyên tố vi lượng thiết yếu. I-ốt cần cho sự tổng hợp hóc môn tuyến giáp gọi là thyroxin, là một chất có tác dụng thúc đẩy sự làm việc của mọi tế bào.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì mức thu nhập i-ốt lý tưởng nhất đối với con người là nồng độ i-ốt niệu đạt 100 – 199mg/l, tương ứng với lượng i-ốt ăn vào hàng ngày là 150 – 299mg. Nếu cơ thể tiếp nhận ít hơn con số trên thì gây ra các rối loạn do thiếu i-ốt.
I-ốt hiện diện trong đất đai, nguồn nước, không khí, cây cối, động vật, tuy nhiên hàm lượng này rất thấp, nhất là ở vùng xa biển. Hàm lượng I-ốt trong nước biển khoảng 50-60mcg/L (micro gram = 1 phần triệu của gram), trong không khí 0,7 mcg/m3, trong nước mưa 5mcg/ mỗi lít. Nếu lượng I-ốt có trong không khí, nguồn nước và thức ăn ở một vùng là thấp thì người dân vùng này dễ bị bướu cổ, nhiều trẻ em đần độn, lác mắt, chậm lớn (lùn).
Khái niệm “Các rối loạn do thiếu I-ốt” do B. Hetzet đưa ra năm 1983 nói lên hậu quả của việc thiếu I-ốt không chỉ gây bướu cổ, mà còn gây nhiều hậu quả khác và có thể tóm tắt vào 4 thời kỳ như sau:
Thời kỳ bào thai: sảy thai, tăng tử vong chu sinh, khuyết tật bẩm sinh, đần độn thể thần kinh (thiểu năng trí tuệ, điếc, câm, liệt cứng 2 chi dưới), đần độn thể phù niêm (thiểu năng trí tuệ, lùn).
Thời kỳ sơ sinh: bướu cổ sơ sinh, thiểu năng tuyến giáp.
Thời kỳ trẻ em và thiếu niên: bướu cổ, thiểu năng tuyến giáp, cơ thể chậm phát triển.
Thời kỳ người lớn: bướu cổ và biến chứng, thiểu năng tuyến giáp, trí tuệ kém phát triển, sức lao động kém.
Theo điều tra thì mức I-ốt thu nhận được hàng ngày của người dân vẫn chưa đạt để phòng các rối loạn do thiếu hụt I-ốt, đó là do:
+ Không nêm tất cả món ăn bằng muối I-ốt, mà thường nêm thức ăn chủ yếu bằng muối thường do cho rằng muối I-ốt mặn hơn hay có vị không ngon.
+ Tập quán phổ biến dùng nước mắm, nước tương, bột nêm… trong bữa ăn hàng ngày mà những gia vị này có thể không bổ sung I-ốt.
+ Tập quán muối dưa, muối cá, làm chao, các loại mắm…: đều không sử dụng muối I-ốt.
+ Bảo quản muối I ốt không đúng cách: I-ốt sẽ bốc hơi dần theo thời gian trong muối trong quá trình bảo quản, vận chuyển; để lọ muối I-ốt gần bếp lửa và mở nắp cũng làm I-ốt mất đi mau chóng, hoặc lọ muối bị nhiễm nước làm I-ốt tan lắng xuống đáy lọ.
Ngoài những lý do trên, phụ nữ thường thiếu I-ốt là do nhiều người trong số họ không thích ăn cá biển, ít dùng rong biển; một số rau họ cải cũng làm cản trở sự hấp thu I-ốt khi ăn sống.
Để phòng các rối loạn do thiếu hụt I-ốt: Sử dụng gia vị bổ sung i-ốt trong nấu ăn hàng ngày là biện pháp phòng ngừa thiếu i-ốt hiệu quả và bền vững. Hiện nay, trong 108 quốc gia trên thế giới đang bắt buộc bổ sung i-ốt vào muối ăn, có 98 nước yêu cầu dùng muối đã bổ sung i-ốt trong thực phẩm chế biến. Khi bảo quản lọ muối I-ốt nên đậy nắp kín, tránh ẩm ướt và để xa hơi nóng của bếp lửa hoặc ánh sáng mặt trời. Muối I-ốt không nên rang lên vì sẽ làm mất I-ốt.
Ngoài sử dụng muối I-ốt, các bà nội trợ cũng nên tăng cường các thức ăn từ biển trong bữa cơm hàng ngày như cá biển, rong biển; đặc biệt rong biển có hàm lượng I-ốt rất cao. Khi sử dụng các rau họ cải thì nên nấu chín để các chất Thioglucoside là các chất kháng I-ốt sẽ bị tiêu hủy đi khi gặp nhiệt độ cao.
(Theo Sở Y tế Yên Bái)


Bài viết liên quan: